TIN TRƯỚC

Thứ tư, ngày 11/12/2019

TIN TIÊP THEO

A A A
Kiến thức đồng hồ Thứ tư, ngày 11/12/2019

TAG HEUER TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC CỦA HÃNG XE SANG TRỌNG ASTON MARTIN

https://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/lich-su-aston-martin-2077664.html

TAG Heuer đã trở thành đối tác của hãng xe hơi nổi tiếng của Anh, Aston Martin trong mùa Geneva Motor Show 2018.

Mối quan hệ mật thiết giữa đồng hồ và xe hơi đã có từ lâu. Có rất nhiều mẫu đồng hồ đình đám lấy cảm hứng từ ô tô và ngược lại. Tại Geneva Motor Show 2018, một trong những triển lãm ô tô lớn bậc nhất thế giới đã được khai mạc từ ngày 8 tháng 3, Aston Martin và TAG Heuer đã thông báo sự hợp tác của họ. Với sự kiện này, TAG Heuer sẽ quay lại The World Endurance Championship, một giải đua xe vô địch thế giới được tổ chức bởi Automobile Club de I'Quest (ACO) cùng với thương hiệu xe sang trọng của nước Anh.

Hình TAG HEUER TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC CỦA HÃNG XE SANG TRỌNG ASTON MARTIN

Tại buổi ra mắt Geneva International Motor Show, Giám đốc điều hành của Aston Martin và Jean-Claude Biver, Giám đốc điều hành của TAG Heuer đã thông báo về sự hợp tác này. Họ cũng cùng nhau giới thiệu chiếc Vantage GTE mang những màu sắc tươi mới của TAG Heuer.

LỊCH SỬ ASTON MARTIN

Aston Martin, một trong những hiệu xe danh giá bậc nhất thế giới, dù được trao tay qua hơn nửa tá chủ sở hữu trong suốt 9 thập kỷ qua, vẫn luôn giành được sự kính trọng trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới.

Tháng 1/1913, Lionel Martin và Robert Bamford cùng nhau thành lập công ty chuyên bán xe hơi mang tên Bamford & Martin Ltd, đóng trụ sở ở phố Callow thuộc khu vực phía đông của thủ đô London. Và cái tên Aston Martin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1914.

Ba chìm, bảy nổi, chín long đong

Công ty nhỏ nên họ chỉ làm đại lý được cho mỗi hãng chế tạo ôtô Singer. Nhưng cả hai không chỉ kinh doanh xe ôtô, mà còn ham thích đua xe và đã tham gia nhiều giải đua ôtô với chính loại xe Singer. Cũng chính vì thế họ biết được tường tận điểm mạnh, điểm yếu của xe Singer cũng như biết rõ xe ôtô đua thì phải như thế nào. Hai người đã bắt tay vào chế tạo xe đua riêng. Sản phẩm của họ được đặt tên là Aston Martin để nhớ lại lần Lionel Martin tham gia cuộc đua ở Aston Hill nhưng không thành công và chính vì thế mà hai người quyết tâm làm ra chiếc xe đua theo ý mình. Tháng 3/1915, họ cho xuất xưởng chiếc ôtô đầu tiên và 5 năm sau mới có loại xe thứ hai. Cho tới năm 1925, công ty này chỉ chế tạo có 60 chiếc Aston Martin.

Không có mấy người mua xe của họ nên họ cũng không có tiền để tiếp tục phát triển công ty. Robert Bamford từ bỏ công ty. Bá tước Louis Vorow Zborowski, con trai một triệu phú người Mỹ, tham gia công ty và "bơm" thêm nguồn tài chính cần thiết để công ty có thể tiếp tục tồn tại. Zborowski là một tay đua xe chuyên nghiệp và đã lập nhiều kỷ lục đua xe với Aston Martin trong cuộc đua xe ở Brooklands vào tháng 5/1922. Nhưng rồi tháng 10/1924, ông bị thiệt mạng trong một tai nạn khi tham gia cuộc đua ở Italia. Lionel Martin một lần nữa lại gặp khó khăn về tài chính đến mức công ty ngấp nghé bờ vực phá sản, đành bán công ty cho Huân tước Charnwood. Vậy là, gây dựng nên thương hiệu, nhưng cả Martin lẫn Bamford đều gần như không được gì khi thương hiệu trở nên nổi tiếng. Trớ trêu hơn, Lionel Martin qua đời trong một tai nạn giao thông vào năm 1945, hai mươi năm sau khi ông đứt ruột từ bỏ công ty.

Huân tước Charnwood đổi tên công ty thành Aston Martin Motors Ltd. Dưới thời của ông, Aston Martin có được bước tiến mang tính chất đột phá năm 1927 với hàng loạt chủng loại xe mới và những thành tích ở nhiều cuộc đua xe ôtô khác nhau trên thế giới.

Năm 1932, thương hiệu này lại thay đổi chủ sở hữu. Sir Arthur Sutherland mua lại công ty và giao cho con trai quản lý. Hai thay đổi lớn nhất ở thời kỳ chủ sở hữu này là chế tạo loại xe có công suất lớn hơn và chuyển dần từ xe đua sang xe dân dụng thông thường. Năm 1939, họ chế tạo ra loại xe mới nhưng cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã làm phá sản kế hoạch kinh doanh của họ. Từ năm 1919 đến năm 1945 chỉ có hơn 700 chiếc Aston Martin được xuất xưởng.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, công ty lại gặp khó khăn tài chính đến nỗi gia đình Sutherland phải bán công ty cho Tập đoàn David Brown với giá vỏn vẹn 20.000 Bảng Anh. David Brown còn mua luôn cả thương hiệu Lagonda. Kết hợp thiết kế mẫu mã của Aston Martin với động cơ xe của Lagonda, David Brown làm ra được một vài chủng loại xe mới có thể ganh đua ngang ngửa với nhiều thương hiệu ôtô khác. Những thành tích mà xe Aston Martin giành được trong các cuộc đua xe từ năm 1957 đến năm 1959 đã giúp thương hiệu này củng cố vị thế vững chắc trong thế giới thương hiệu.

Danh đã có, nhưng tiền luôn thiếu nên Aston Martin chỉ có thể duy trì được danh tiếng chứ không thể phát triển mạnh hơn. Đầu năm 1973, thương hiệu này bị bán cho tập đoàn Company Development của một số thương gia ở Birmingham. Thua lỗ lớn khiến Aston Martin bị đặt dưới sự quản lý bắt buộc của chính quyền để tránh bị phá sản từ ngày 30/12/1974 và mãi đến năm sau mới thoát hiểm khi về tay một thương gia người Mỹ và một chủ khách sạn người Canada. Sau hai lần chuyển đổi chủ sở hữu vào năm 1984 và 1985, từ đầu năm 1986, thương hiệu này thuộc về Tập đoàn Ford. Từ đó cho tới khi Ford bán đi 85% cổ phần thương hiệu này cho Tập đoàn Prodrive - với sự tham gia tài chính của một số tập đoàn Cô oét - là thời kỳ yên bình của Aston Martin. Ford đã khôi phục và khuếch trương thương hiệu.

Nghịch lý là bản sắc

Cho tới nay, trên thế giới chỉ có cả thảy hơn 25.000 chiếc Aston Martin. Điều khiến thương hiệu này trở thành huyền thoại không phải vì nó được sản xuất ra nhiều và tiêu thụ rộng rãi. Aston Martin là loại ôtô hiếm nhất thế giới, cho dù chỉ là một trong số những loại xe đắt nhất thế giới. Nó đắt vì không được sản xuất hàng loạt mà gần như hoàn toàn theo cách thủ công. Mỗi chiếc ôtô dường như là một độc bản, cùng chủng loại mà lại khác nhau, cùng đẳng cấp mà lại riêng biệt như thể cùng cái vỏ bên ngoài mà ở bên trong lại là một thế giới khác. Không giống với các thương hiệu khác, Aston Martin luôn duy trì được danh tiếng, bất chấp nhiều lần cận kề bờ vực phá sản; luôn giữ được bản sắc ban đầu, bất kể rất nhiều lần đổi chủ.

Không ít nhà viết lịch sử thương hiệu cho rằng chính những thăng trầm, mà thật ra thì thăng ít trầm nhiều, đã giúp thương hiệu này chiếm được và duy trì được thiện cảm của người sử dụng. Có người thì cho rằng nhờ xuất hiện trong loạt phim hành động giả tưởng "James Bond - Điệp viên 007" mà nó nổi tiếng và được hâm mộ đến vậy... Nhưng điều mà tất cả đều nhất trí với nhau về bí quyết thành công của thương hiệu này là ở chỗ nó đã đem lại cho chiếc ôtô vốn chỉ bao gồm có máy móc thiết bị cả một linh hồn và tâm hồn, làm cho chiếc xe không phải là vật dụng hay phương tiện đi lại thuần tuý, mà còn là một người bạn đồng hành tri kỷ.

Thương hiệu này ra đời và phát triển trong những điều kiện khó khăn. Cái "dớp" ấy có thể sẽ còn đeo đẳng nó trong tương lai. Nhưng rồi nó sẽ vượt qua được mọi nguy nan và hiểm hoạ như đã từng như vậy trong quá khứ. Đơn giản vì nó đã trở thành huyền thoại và huyền thoại vốn luôn bất tử vì chủ sở hữu nó - dù có là ai đi nữa - sẽ không để nó bị mất đi.

Nhân sự kiện này, TAG Heuer cũng ra mắt chiếc đồng hồ đánh dấu sự hợp tác lịch sử với Aston Martin

Hình TAG HEUER TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC CỦA HÃNG XE SANG TRỌNG ASTON MARTIN

The TAG Heuer Carrera Calibre Heuer 01 chronograph đại diện cho hai thương hiệu nổi tiếng thế giới.

LIKEWATCH.COM

⚑ HCM: Tầng 5, Tòa nhà Opera View, 161 Đồng Khởi, Q. 1.
✆ (028) 3929 3939 - Tư vấn đặt hàng.
⚑ Hà Nội: Tầng 6, Tòa nhà Corner Stone, 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm.
✆ (024) 3936 3939 - Tư vấn đặt hàng.

mess
zalo
call