CÂU CHUYỆN VÀNG SON CỦA ULYSSE NARDIN
https://en.wikipedia.org/wiki/Ulysse_Nardin https://www.handheld.com.vn/threads/cau-chuyen-lich-su-gan-170-nam-cua-ulysse-nardin.365552/ http://wengerwatch.vn/3-dieu-thu-vi-dong-ho-ulysse-nardin-chinh-hang-ban-co-biet/ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ulysse-nardin-va-nhung-chiec-dong-ho-chua-tung-co-20150929143126713.htm
Với bề dày lịch sử hơn 170 năm, Ulysse Nardin là thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng với những chiếc đồng hồ hàng hải có sự chính xác và bền bỉ đáng kinh ngạc. Sản phẩm của họ luôn nằm trong top đầu danh sách những đồng hồ chạy chính xác đạt giấy chứng nhận COSC Thụy Sĩ. Dù trải qua những thăng trầm của thời cuộc nhưng Ulysse Nardin vẫn tồn tại và duy trì đại bản doanh tại Le Locle trong hơn 1 thế kỷ qua.
Ulysse Nardin sở hữu hơn 95% giải thưởng trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, và đã có thời điểm họ là hãng trang bị đồng hồ cho lực lượng hải quân của hơn 50 quốc gia. Vì thế, khi bạn nhìn thấy biểu tượng mỏ neo, thì đó chính là Ulysse Nardin.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ULYSSE NARDIN
Ulysse Nardin (1823-1876) đã thành lập thương hiệu đồng hồ mang tên ông vào năm 1846. Hãng vẫn giữ nguyên trụ sở chính của mình ở toà nhà Ulysse Nardin SA, 3 Rue du Jardin, tại thành phố công nghiệp đồng hồ Le Locle của đất nước Thuỵ Sỹ, nơi cách đây hơn một thế kỷ (1865) hãng đã chọn làm địa chỉ giao dịch.
Ulysse Nardin sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm đồng hồ. Cha đẻ của ông là ngài Leonard Ulysse Nardin, là một thợ đồng hồ tiếng tăm ở Locle. Sau khi truyền dạy bí kíp trong nghề cho cậu con trai có tài năng thiên bẩm của mình, ông tiếp tục gửi cậu cho người bạn thân là Frederic William Dubois, cũng là một thợ đồng hồ nổi danh bậc nhất thời đó và là người tiên phong nghiên cứu chế tác đồng hồ cho người đi biển. Sau đó, Ulysse Nardin còn được một người thợ đồng hồ nổi danh khác là Louis Jean Richard-dit-Bressel chỉ dạy và truyền nghề lại.
Ulysse Nardin (1823-1876)
Đó là lý do khi chỉ 21 tuổi, Ulysse Nardin đã sở hữu đôi bàn tay khéo léo cùng khối kiến thức và sự uyên bác về những cỗ máy thời gian. Chàng trai trẻ Ulysse Nardin khi đó quyết định mở một xưởng chế tác của riêng mình. Đến năm 1860, nhờ phát minh ra một bộ phận điều chỉnh thiên văn, những chiếc đồng hồ của Ulysse Nardin bước vào một kỷ nguyên mới. Tiếng tăm của hãng vượt xa khỏi vùng Locle và đất nước Thuỵ Sỹ, vươn ra khắp các châu lục. Năm 1862, Ulysse Nardin trở thành thương hiệu đồng hồ bỏ túi số một thế giới sau khi giành giải vàng tại Triển lãm quốc tế London cho các mẫu đồng hồ do chính Ulysse Nardin chế tác.
Thời kỳ phát triển của Ulysse Nardin cũng là thời kỳ phát triển vượt bậc của ngành hàng hải. Nhu cầu sử dụng đồng hồ dùng để xác định kinh độ có độ chính xác cao và bền bỉ phục vụ cho những chuyến hải hành không chỉ của các thuỷ thủ mà đối với hải quân các quốc gia trở nên vô cùng cấp thiết. hi Ulysse Nardin qua đời năm 1876 sau một cơn đau tim, con trai của ông là Paul-David Nardin khi ấy cũng vừa tròn 21 tuổi, chàng trai trẻ tài hoa này đã tiếp tục kế nghiệp của cha mình và là người đưa công ty bước vào thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất. Anh tiếp tục nghiên cứu, phát triển những tính năng mới chưa từng có cho những người đi biển. Suốt thời gian từ năm 1878 trở đi, Paul-David liên tục giành được các giải thưởng danh giá của của Thuỵ Sỹ cũng như tại các triển lãm đồng hồ khác nhau trên thế giới nhờ vào những cải tiến không ngừng và những phát minh mới. Theo báo cáo của tổ chức quan sát Neuchâtel, trong giai đoạn từ 1846 đến 1975, Ulysse Nardin đã giành được 4324 giấy chứng nhận cho những cỗ máy đo thời gian hàng hải trong tổng số 4504 giấy chứng nhận đã được trao tặng cho các hãng đồng hồ khác nhau.
Những chiếc đồng hồ của Ulysse Nardin trở thành biểu tượng của đồng hồ chất lượng đỉnh cao và trở thành lựa chọn hàng đầu không thể thiếu của ngành hàng hải và hải quân. Hãng là nhà cung cấp trực tiếp loại đồng hồ dành cho Hải quân cho hơn 50 quốc gia trên thế giới. Bởi thế mà hơn một thế kỷ qua, Ulysse Nardin vẫn trung thành với hình ảnh chiếc mỏ neo trên logo. Khi nhìn thấy biểu tượng chiếc mỏ neo, người ta lập tức nghĩ đến Ulysse Nardin.
THỜI KỲ PHỤC HƯNG
Những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ lâm vào cuộc khủng hoảng đồng hồ Quartz, Ulysse Nardin không thoát khỏi vòng xoáy nguy hiểm đó, hãng đứng trên bờ vực phá sản và dần bị quên lãng. Nhưng may mắn đã mỉm cười với Ulysse Nardin khi năm 1983, lịch sử của hãng được doanh nhân Rolf W.Schnyder, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh đồng hồ viết tiếp bằng một thương vụ mua lại.
Rolf W.Schnyder (1935-2011)
Nhưng nếu chỉ có mình Rolf W.Schnyder thì có lẽ U.N chưa chắc có được những trang sử huy hoàng thời hiện đại. Cũng trong năm 1983, Rolf tình cờ gặp được Ludwig-Oechslin - một nhà khoa học, nhà khảo cổ học, giáo sư sử học và là một nghệ nhân đồng hồ tiếng tăm. Sự kết hợp giữa những chiến lược kinh doanh nhanh nhạy của Rolf W. Schnyder và tài năng cùng kho kiến thức uyên thâm về khoa học vũ trụ, khảo cổ học...của Ludwig Oechslin đã hồi sinh Ulysse Nardin và đưa tên tuổi này quay trở lại bản đồ thương hiệu xa xỉ, đẳng cấp của Thuỵ Sỹ cũng như thế giới.
Ngài Ludwig Oechslin(1952)
Khi gặp Rolf W. Schnyder, Ludwig Oechslin 31 tuổi, trước đó, ông đã dành thời gian học nghề tại Vatican, nghiên cứu chiếc đồng hồ thiên văn được làm năm từ năm 1725 cho nữ công tước xứ Parma và Piacenza, bà Dorothea Farnese von Pfalz-Neuburg. Chiếc đồng hồ có tên gọi "Farnese Clock", sở hữu cơ chế đặc biệt cho phép hiển thị các thông tin về mặt trời, mặt trăng ở các giai đoạn và vị trí khác nhau. Trong nhiều năm trời, ông đã tháo dỡ, sửa chữa và lắp ráp lại từng chi tiết của chiếc đồng hồ này. Luận án tiến sĩ của Ludwig về đề tài đồng hồ Farnese giúp ông giành được học vị tiến sĩ triết học và lịch sử của khoa học ứng dụng thuộc trường Đại học Berne. Ông cũng đi qua các nước Ý, Đức, Áo, Tiệp Khắc để nghiên cứu, tìm kiếm đồng hồ thiên văn do các thầy tu sống ở thế kỷ 18 chế tạo. Ông tiến hành mổ sẻ những chiếc đồng hồ này để thực hiện hàng loạt các nghiên cứu, tính toán, diễn giải một cách cần mẫn.
Trước khi gặp Ludwig Oechslin, Rolf Schnyder đã rất ngưỡng mộ tài năng và những sáng chế của Oechslin, một trong số đó là chiếc kính chắc tinh (loại dụng cụ dùng để đo độ cao của mặt trời và các vì sao, được sử dụng rộng rãi trong thời cổ trước khi được thay thế bằng kính lục phân). Thiết bị lấy cảm hứng từ nghiên cứu của Oechslin trên chiếc đồng hồ Farnese. Kể từ khi hợp tác với nhau, Oechslin và Rolf Schnyder đã quyết tâm thu nhỏ và kết hợp thiết bị này vào trong chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất thế giới.
Đó là khởi đầu của một tình bạn đẹp, trong hơn 20 năm sau đó, Ludwig Oechslin đã thoả sức thể hiện khả năng thiên tài của mình dưới mái nhà Ulysse Nardin. Vận dụng một cách triệt để kho kiến thức uyên bác của mình về những chiếc đồng hồ thiên văn sau hàng chục năm dày công nghiên cứu, ông đã tạo ra những chiếc đồng hồ được xem là những cột mốc trong lịch sử ngành đồng hồ.
Astrolabium Galileo Galilei
Bộ sưu tập có cách tiếp cận mới đầu tiên ra đời vào năm 1985 có tên gọi Astrolabium Galileo Galilei, được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei, kết hợp với tên của thiết bị Astrolabium. Cỗ máy thời gian này ngay lập tức tạo ra được tiếng vang lớn trong làng đồng hồ thiên văn bởi khả năng hiển thị đồng thời giờ địa phương, giờ mặt trời (solar time), quỹ đạo, nhật thực, nguyệt thực và vị trí của một số ngôi sao lớn. Bộ sưu tập này được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1989 là chiếc đồng hồ chức năng nhất thế giới (The World's Most Functional Watch) với tổng cộng 21 chức năng riêng biệt.
Planetarium Copernicus
Tellurium Johannes Kepler
Nghệ nhân Oechslin sau đó tiếp tục phát triển thêm 02 bộ sưu tập đồng hồ thiên văn nữa gồm Bộ sưu tập Planetarium Copernicus, ra mắt năm 1988, tên gọi được đặt theo tên nhà hát Planetariums và nhà thiên văn học Copernicus. Và Bộ sưu tập Tellurium Johannes Kepler, giới thiệu năm 1992, đặt theo tên của nguyên tố Tellurium và nhà thiên văn học Johannes Kepler. Cả ba cỗ máy thời gian này được gọi là Bộ ba của Thời gian - Trillogy of Time.
Năm 1999, Ulysse Nardin tiếp tục gây chú ý với bộ sưu tập GMT ± Perpetual, kết hợp lịch vạn niên (perpetual calander) cùng với chức năng hiển thị giờ GMT có thể điều chỉnh tới hoặc lui. Năm 2001 lại là bộ sưu tập đình đám Freak Blue Phantom, chiếc đồng hồ tourbillon không núm chỉnh giờ và chỉ bộ kim cơ khí xoay xung quanh bánh răng bên trong chu vi của mặt đồng hồ. Ulysse Nardin cũng cải tiến và làm sống lại việc sử dụng tráng men trong công nghệ đồng hồ, với một loạt các tính năng đồng hồ mặt men và Cloisonne (những kỹ thuật men kết hợp với kim loại mỏng) được chế tác tỉ mỉ kỹ lưỡng bởi các nghệ nhân men tài hoa, tạo ra những chiếc đồng hồ có mặt số (dial) vô cùng hấp dẫn và độc đáo.
17 năm sau sự ra đời của Trillogy of Time, năm 2009 tại Baseworld, thiên tài Oechslin cho ra đời bộ sưu tập Moonstruck, chiếc đồng hồ thiên văn này được thiết kế và phát triển hoàn toàn tại các nhà máy của Ulysse Nardin, mô tả lại sự tương tác vũ trụ của mặt trời, trái đất và mặt trăng, cho thấy sự lên xuống của thuỷ triều và các giai đoạn của mặt trăng với độ chính xác phi thường. Chiếc Moonstruck không chỉ có bộ escapement làm bằng silicon và lò xo bánh lắc được sản xuất sử dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhất, mà còn có các chức năng cài đặt nhanh được cấp bằng sáng chế cho phép thay đổi thay đổi múi giờ nhanh chóng bằng cách điều chỉnh về phía trước hoặc phía sau.
Năm 2011, ngài Rolf Schnyder qua đời, vợ của ông là bà Chai Schnyder đã thay chồng điều hành Ulysse Nardin trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Patrik P. Hoffmann, gia nhập và cống hiến tận tuỵ với U.N từ năm 1999, người đóng góp cho Ulysse Nardin thành công tại thị trường Bắc Mỹ trở thành CEO. Vài năm trở lại đây, thay vì phải mua máy của ETA, hãng đang hướng đến sự độc lập bằng cách tự sản xuất các linh kiện và movement "in-house".
Cuối năm 2014, Kering, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu cao cấp tuyên bố thâu tóm Ulysse Nardin bằng việc mua lại 100% vốn của hãng nhằm mở rộng ảnh hưởng trong ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ. Đây có lẽ sẽ là một dấu mốc lịch sử mới của Ulysse Nardin. Thông qua việc mua lại này, Kering sẽ hỗ trợ Ulysse Nardin tiếp tục con đổi mới và đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của hãng trong tương lai bằng việc hướng đến một nền sản xuất độc lập.
LIKEWATCH.COM
Tham khảo đồng hồ Ulysse Nardin @http://likewatch.com/shop/brand/Ulysse Nardin
⚑ HCM: Tầng 5, Tòa nhà Opera View, 161 Đồng Khởi, Q. 1.
✆ (028) 3929 3939 - Tư vấn đặt hàng.
⚑ Hà Nội: Tầng 6, Tòa nhà Corner Stone, 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm.
✆ (024) 3936 3939 - Tư vấn đặt hàng.